Đầu tiên, thầy chúc các em thật nhiều sức khỏe, bản lĩnh vững
vàng để có thể đối mặt với mọi khó khăn trong cuộc sống.
Hôm nay đã là ngày 28/6 rồi, như vậy chỉ còn hơn chục ngày nữa
các em bước vào một kì thì khá quan trọng và đánh dấu bước ngoặt đầu tiên trong
cuộc đời. Thầy biết, trong thời gian vừa qua các cem đã nỗ lực, cố gắng phấn đấu
rất nhiều. Thầy luôn dạy các em rằng “Bất cứ cái gì cũng có giá của nó ”. Cái
giá của sự thành công là phải đánh đổi bằng mồ hôi, công sức của thân thể và sự
nỗ lực bền bỉ trong tâm trí. Các em phần nào có được điều đó, và thầy tin rằng
các em sẽ nhận lại được đúng những gì mình đã bỏ ra. Còn 5 ngày, đây không phải
là thời gian cố gắng nhồi nhét kiến thức vào đầu. Những gì các con đã được học
trong cả năm qua hãy xem lại, những chỗ nào chưa nắm chắc lắm cần đọc lại kĩ
hơn một chút. Theo bộ trưởng giáo dục thì đề thi năm nay không đánh đố, cơ bản
nằm trong sách giáo khoa nâng lên một chút. Do vậy, dù có gặp đề hơi lạ một
chút hãy cứ bình tĩnh từ từ huy động lại kiến thức liên quan đến phần đó để giải
quyết. Các em phải hết sức lưu tâm điều này nhé!
Cái thứ hai, các em cần nắm chắc cấu trúc của đề thi gồm những
phần nào và với mỗi phần đó, mình đã có chuẩn bị kiến thức như thế nào rồi. Điều
này quan trọng vì nó giúp các em có cái nhìn hệ thống, bao quát hơn trong đề
thi và dự trù được các khả năng có thể ra của đề thi. Như vậy thì tâm lý các em
mới ổn định được.
Ăn uống: trong thời gian này, đừng ăn thức
ăn nào lạ, khó tiêu. Ăn bí đỏ, cà chua tốt cho mắt và hoạt động của não, ăn các
loại củ quả: cam, quýt, bưởi… sẽ làm giảm mệt mỏi. Ăn đủ thịt, cá, lòng đỏ trứng
(khó ăn nhưng mà tốt cho não cực kì đấy), cơm vừa đủ. Trong ngày thi nên ăn vừa
đủ, không no và đói quá. Khi đi thi mang chai nước lọc vào, lúc làm bài căng thẳng
quá làm ngụm nước sẽ giúp các em đỡ căng cứng hơn rất nhiều (uống xong nhớ đóng nắp chai không đổ ướt
bài thi).
Tinh thần: trước ngày thi phải thoải mái, xua
tan mọi suy nghĩ trong đầu. Nếu căng thẳng quá phải thư giãn luôn: nghe nhạc,
ra ngoài ngắm cảnh, nói chuyện với một ai đó mà các em thấy thoải mái nhất… khi
hết mệt mỏi lại tiếp tục học. Hãy hát thật to nếu có thể, hãy cười thật nhiều
và lạc quan lên. Nếu buồn ngủ, hay mệt mỏi phải nghỉ ngơi ngay, đừng có suy
nghĩ là đi ngủ không có thời gian học. Ngủ giúp cho não cân bằng hơn, thông
minh và sáng suốt hơn. Trước ngày thi một ngày phải ngủ đủ 8 tiếng.
Tâm thái trước khi thi: các em đã cố gắng hết sức và làm tất
cả những gì có thể trong thời gian qua rồi. Và điều đó sẽ được đền đáp xứng
đáng. Tự tin lên nhé! “ Tự tin chưa chắc thành công nhưng mất tự tin thì cầm chắc
thất bại”. Tự tin nhưng phải khiêm tốn, không sẽ trở thành kiêu căng, ngạo mạn.
Những kẻ kiêu mạn dễ thất bại lắm.
Trong khi thi: tuyệt đối lắng nghe nhắc nhở của
giám thị, không mang điện thoại hay bất cứ tài liệu nào vào phòng thi. Nếu các
em nghiêm túc thì không việc gì phải sợ giám thị vì họ chỉ là người coi thi chứ
không làm gì đến ta cả. Nhận đề xong tập trung cao độ làm bài, quên hết mọi thứ
xung quanh, coi như chỉ mình ta trong phòng thi, tâm lý hết lo lắng, chiến đấu
với đề thi đến cùng. Không được sợ đề khó vì khó thì khó chung, mình không làm
được thì các em khác không làm được. Quan trọng là phải biết chắt chiu từng điểm
nhỏ, cho dù là 0,25 điểm. Cố gắng không được bỏ trống bất cứ bài nào dù là khó,
có ý tưởng nào cứ viết ra.
Thấy các bạn
khác làm bài ào ào, bấm máy tính ầm ầm, xin giấy liên tục thì mặc kệ, cứ tập
trung cao độ vào bài làm của mình. Theo kinh nghiệm của thầy thì những người đó
là những người hốp tốp, nhanh ẩu đoảng dễ nhầm lẫn. Nên các em cứ khiêm nhường,
bình tĩnh từ tốn làm bài, làm đến đâu chắc tới đó. 180 phút đủ để các em hoàn
thành xong hết bài thì mà không cần phải vội vàng.
Nếu trong
quá trình làm bài thấy căng thẳng hay đang nghĩ một bài không ra, các em hãy
nhìn ra ngoài cửa sổ, lắc đầu cho thoải mái, làm ngụm nước (xong nhớ đậy nắp)
nghĩ tới điều khác hoàn toàn bài thi. Sau khi thoải mái rồi mới quay lại nghĩ
tiếp. Tuyệt đối không được dừng lại ở một câu quá lâu, làm đầu óc căng thẳng
cương cứng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng làm bài của các bài khác.
Thi xong
không nên thảo luận, kiểm tra đáp án hay than vãn nhiều mà chuẩn bị tâm lý tốt
nhất cho môn tiếp theo. Thi xong rồi thì buồn vui luôn một thế.
Làm bài môn
Toán thế nào cho tốt ?
Bí quyết để thành công= Bình tĩnh + trình bày cẩn thận + tư
duy + chiến thuật.
- Nhận đề, đọc
lướt qua một lượt hình dung ra câu mình có thể làm được luôn, những câu giống với
những bài mà các con đã gặp tức là câu có khả năng làm được:
+ Đề hoàn
toàn nằm trong khả năng: tự tin hơn rất nhiều.
+ Đề hơi khó
thì không sao cả: còn những 150 phút + cái đầu của các em => bình thường.
- “ Bài nào
khó làm sau, bài dễ làm trước” hãy nhớ lấy điều này để khỏi bị sa lầy, mất quả
nhiều thời gian vào các bài khó.
- Tư duy giải toán: Khi đối mặt với một bài toán, việc
đầu tiên phải đọc thật kĩ đề bài, sau đó hình dung ra những hướng suy nghĩ, lối
tư duy khác nhau để có thể vận dụng. Sau đó, tùy dấu hiệu của từng bài, kết hợp
với sự liên tưởng và kiến thức đã được học để giải quyết bài toán đó.
- Khi suy
nghĩ và ngắm nghĩ bài toán, nếu phát hiện điều gì, phép biến đổi gì có thể thực
hiện, các con đừng ngại đặt bút biến đổi. Rất nhiều bài chỉ cần tích tắc như thế
là có thể làm được rồi.
* Những lưu
ý quan trọng, mang tính sống còn trong một bài thi:
- Đặt điều
kiện chính xác và giải xong nhớ kết hợp điều kiện.
- Vừa làm vừa
kiểm tra, nếu trong quá trình tính toán thấy số cồng kềnh và rất xấu thì 90% là
bước ở trên biến đổi sai. Cần bình tĩnh xem lại để tìm cho ra chỗ sai. Nếu sai
ít thì gạch bỏ, sai nhiều thì làm lại từ đầu.
- Đọc thật
kĩ đề, không bỏ xót chữ nào, ngẫm đề => hiểu đề, yêu cầu của đề và các giả
thiết đề cho, đừng có đọc qua loa rồi lao vào làm rất dễ phải trả giá đắt.
- Làm xong bất
kì một bài nào phải kết luận, nhất là những bài phải kết hợp với điều kiện xác
định. Không kết luận, có thể các con sẽ mất đi 0,25 điểm đáng tiếc.
- Chú ý khi
đọc đề, ngẫm đề một chút có thể phát hiện ra ý đồ của người ra đề, phát hiện ra
cái bẫy mà nhiều thí sinh sẽ mắc phải. Như thế các con ăn trọn điểm câu đó rồi,
còn nhiều em khác sẽ bị sập bẫy. Thật tỉnh táo.
- Khi nháp
cũng phải nháp tử tế rõ ràng, không nháp chồng chéo lên, giấy nháp không thiếu
cho các em.
Chúc các em làm bài tốt nhất có thể !